Microsoft đã chính thức giới thiệu phiên bản Windows mới tại sự kiện vừa diễn ra tại San Francisco. Điều bất ngờ nhất là phiên bản này có tên là Windows 10 thay vì Windows 9 như những thông trước đây. Windows 10 sẽ được phát hành vào cuối năm 2015, thông tin nâng cấp từ các phiên bản Windows trước và giá bán vẫn chưa được tiết lộ. Tuy nhiên, người dùng sẽ có thể trải nghiệm trước bằng phiên bản Technical Preview và gởi phản hồi về Microsoft qua chương trình Windows Insider.
Start Menu trên máy tính truyền thống:
Start Menu "thần thánh" đã quay trở lại Windows 10 nhưng lần này nó được làm mới với một sự kết hợp giữa Start Menu cổ điển và Modern UI. Microsoft đã nhấn mạnh về sự "cân bằng" giữa mới và cũ, do đó Start Menu trên Windows 10 sẽ chứa cả ứng dụng Desktop và ứng dụng Modern. Các ứng dụng, thư mục ứng dụng vẫn được bố trí tương tự Windows 7 nhưng bên cạnh đó chúng ta có các ứng dụng Modern nằm ngoài Start Menu. Bạn có thể tùy biến, cá nhân hóa Start Menu tương tự như Start Screen của Windows 8.1 hiện tại, chẳng hạn như đổi màu Start Menu, phóng to thu nhỏ, sắp xếp các Live Tile ứng dụng Modern. Thanh tìm kiếm cũng được cải tiến, tích hợp dịch vụ Bing.
Khi khởi chạy các ứng dụng Modern ngoài Desktop, ứng dụng sẽ hiển thị trong các cửa sổ thay vì phóng to (Maximize) mặc định nhằm tối ưu cho người dùng bàn phím và chuột.
Start Screen trên máy tính cảm ứng:
Microsoft cũng thiết kế lại Start Screen trên Windows 10 dành cho các máy tính có màn hình cảm ứng. Màn hình Start Screen giờ đây không còn là một bảng chứa hàng loạt các Live Tile nữa mà nó sẽ kết hợp giữa Live Tile của ứng dụng Modern và biểu tượng của ứng dụng Desktop. Người dùng vẫn có thể tùy biến Start Screen như trên Windows 8.1.
Ngoài ra, Microsoft còn nhấn mạnh về một tính năng gọi là Continuum - cho phép người dùng chuyển đổi dễ dàng giữa giao diện cảm ứng và môi trường không cảm ứng, qua đó tạo nên sự liền mạch về thao tác và trải nghiệm giữa các hình thức nhập liệu (bàn phím/chuột và màn hình chạm). Khi sử dụng với màn hình cảm ứng, các ứng dụng Modern ngược lại sẽ hiển thị dạng phóng to (Maximize) mặc định. Bạn có thể hiểu rõ hơn qua video dưới đây.
Task View, Snap View, Multi-Desktop & Snap Assist:
Cả 4 tính năng này đều giúp tối ưu hiệu quả làm việc đa nhiệm. Task View là một nút trên thanh Taskbar (chưa rõ phím nóng) cho phép bạn xem các cửa sổ ứng dụng đang mở và chuyển đổi giữa các ứng dụng. Phối hợp với tính năng chia cửa sổ màn hình Snap View (vốn đã có từ Windows 7), bạn có thể mở các cửa sổ ứng dụng song song nhau (gắp cửa sổ đưa sang 2 rìa màn hình) hoặc tối đa 4 cửa sổ ứng dụng cùng lúc (gắp cửa sổ đưa lên góc màn hình). Các ứng dụng Modern có thể được chia cửa sổ, chạy bên cạnh ứng dụng Desktop.
Trong trường hợp bạn có nhiều cửa sổ ứng dụng thì tính năng Multi-Desktop sẽ cho phép tạo thêm các desktop để bạn có thể phân chia và quản lý ứng dụng tốt hơn. Bạn có thể gắp ứng dụng từ Desktop này và thả sang Desktop khác dễ dàng qua giao diện Snap Assist.
Thanh Charms Bar:
Thanh Charms Bar vẫn được giữ lại trên Windows 10 nhưng nó sẽ xuất hiện mặc định trên các máy tính có màn hình cảm ứng. Thao tác mở thanh Charms Bar vẫn như cũ, tức là vuốt từ rìa phải trong khi thao tác vuốt từ rìa trái sẽ mở Task View. Các nút bấm như Close (X) trên cửa sổ ứng dụng trong Task View đã được làm to ra để người dùng có thể bấm dễ hơn.
Command Prompt (CMD):
CMD trên Windows 10 đã được cải tiến đôi chút, bạn giờ đây có thể dùng tổ hợp Ctrl + V để dán dòng lệnh vào CMD thay vì phải nhấp chuột phải > chọn Paste. Đây là một cải tiến nhỏ nhưng quan trọng mà đáng lẽ ra Microsoft phải bổ sung từ sớm.
Trên đây là một vài điểm mới về Windows 10 được Microsoft công bố tại sự kiện. Những tính năng được chờ đợi như Cortana vẫn chưa được tiết lộ. Ngày mai Microsoft sẽ phát hành bản Technical Preview và anh em sẽ có cơ hội tìm hiểu nhiều hơn.
Nguồn sưu tầm